Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Câu hỏi với tín phiếu

| Nguyên Minh Cường |

SGTT.VN 22.10.2012 - Kể từ ngày 10.10.2012, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ bán tín phiếu trở lại cho các ngân hàng sau bốn tháng tạm ngưng. Khối lượng bán ra mới chỉ đạt khoảng 6.000 tỉ đồng sau bốn phiên đấu thầu, khá thấp so với các phiên hồi đầu năm. Kỳ hạn của tín phiếu đợt này cũng khá ngắn: 28, 56 và 91 ngày trong khi kỳ hạn dài nhất của đợt bán hồi đầu năm lên tới 182 ngày.


Lãi suất trúng thầu dao động trong khoảng 4,5 – 6,5%/năm, tương đương với mặt bằng lãi suất trong các phiên đấu thầu hồi cuối quý 2 nhưng khá thấp so với những phiên trong tháng 3 năm nay, khi đó lãi suất trúng thầu lên tới 12%/năm. Mức lãi suất trên cũng tương đương với lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng hiện nay.

Việc bán tín phiếu của NHNN không ngoài mục đích hút tiền khỏi hệ thống nhưng động thái này được cho là khá bất ngờ trong thời điểm hiện nay khi mà tăng trưởng tín dụng của hệ thống vẫn rất chậm chạp, lãi suất huy động từ dân cư đang có xu hướng tăng dần.


Mua tín phiếu vì thiếu đầu ra

Tăng trưởng huy động tiền gửi trong chín tháng đầu năm lên tới xấp xỉ 12% so với cuối năm 2011 trong khi tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt hơn 2%. Hoạt động giải ngân cho vay của các ngân hàng từ đầu năm khá chậm, một phần do không có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu vay vốn, một phần do các ngân hàng lo ngại rủi ro nên không dám cho vay nhiều. Tỷ lệ nợ xấu cao cũng là một rào cản rất lớn đối với tăng trưởng tín dụng.

Hoạt động mua bán vốn trên thị trường liên ngân hàng trong nhiều tháng qua cũng khá trầm lắng. Các ngân hàng dư thừa vốn cũng không cho vay được nhiều trên thị trường này. Nguyên nhân là do nhiều ngân hàng đi vay không đáp ứng đủ yêu cầu về đảm bảo rủi ro và lãi suất cho vay cũng khá thấp nên một số ngân hàng lớn cũng không mặn mà với việc cho vay. Thông tư 21 của NHNN với các quy định chặt chẽ về hoạt động cho vay trên thị trường liên ngân hàng đã khiến cho nhiều ngân hàng nhỏ thiếu vốn gặp khó khăn khi đi vay.

Một kênh sinh lời quan trọng khác của các ngân hàng là đầu tư trên thị trường trái phiếu. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã có chuỗi tám phiên đấu thầu thất bại, ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) tổ chức đấu thầu khá nhỏ giọt. Chỉ có trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành là có sức hấp dẫn đối với một số ngân hàng. Nguyên nhân là do lãi suất trúng thầu của NHCSXH và NHPT thấp trong khi loại trái phiếu này có mức độ rủi ro cao hơn và thanh khoản khá kém so với trái phiếu chính phủ.

Mặt khác, tới thời điểm hiện nay, hầu hết các ngân hàng đã nắm giữ đủ danh mục đầu tư trái phiếu trong năm nay, nên cũng không có nhu cầu mua thêm. Hơn nữa, mặc dù thanh khoản có dư thừa nhưng chủ yếu là ở các nguồn kỳ hạn ngắn, trong khi trái phiếu là loại đầu tư dài hạn. Vì thế hiện nay chỉ có một số ngân hàng lớn là có đủ khả năng để tiếp tục mua bổ sung thêm.

Tín phiếu của NHNN phát hành là kênh đầu tư có kỳ hạn khá ngắn và an toàn nên cũng có sức thu hút đối với các ngân hàng. Do đó, mặc dù lãi suất khá thấp nhưng tỷ lệ trúng thầu vẫn rất cao.

Bên cạnh đó, lượng tín phiếu đáo hạn trong quý 4 lên tới khoảng 30.000 tỉ đồng. NHNN bán tín phiếu trở lại cũng là để cân bằng với lượng đáo hạn này.

Bán để trung hoà ngoại tệ mua vào

Về phía NHNN, hành động bán tín phiếu nhằm mục đích trung hoà lượng tiền VND mà cơ quan này đã bơm vào hệ thống khi liên tục mua vào ngoại tệ trong thời gian qua.

Tỷ giá trong những ngày qua đã xuống khá thấp do có nhiều áp lực giảm giá. Lượng kiều hối tăng mạnh so với năm trước; cán cân thương mại thặng dư tới 143 triệu USD trong chín tháng đầu năm; nhu cầu USD thấp hơn so với mọi năm. Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã có lúc xuống dưới mức mua vào của NHNN là 20.850. Vì thế rất có thể NHNN đã mua vào một lượng USD đáng kể trong những ngày qua nhằm ngăn đà giảm của tỷ giá, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu.

Nhìn chung, đợt bán tín phiếu lần này của NHNN đơn thuần chỉ có tính chất điều hoà tiền tệ, giữ cho lượng tiền VND không bị quá dư thừa tại một thời điểm. Thời hạn đáo hạn lượng tín phiếu phát hành này sẽ rơi vào cuối năm, nên sẽ không ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống vào thời gian đó. Cũng có thể coi đây là hành động phòng ngừa từ xa khả năng lạm phát quay trở lại vào cuối năm của NHNN. Động thái này không có nhiều tác động tới các hoạt động tiền tệ khác của hệ thống.

Đây không phải là hành động thắt chặt tiền tệ. Tuy CPI tháng 9 có tăng mạnh nhưng mức tăng đó chỉ có tính nhất thời do việc tăng mạnh đồng thời các giá hàng hoá cơ bản trong giai đoạn tháng 7 và tháng 8. Với lượng cung tiền được duy trì khá ổn định và ở mức độ vừa phải trong thời gian qua thì CPI trong những tháng cuối năm cũng sẽ không tăng mạnh. CPI tháng 10.2012 của Hà Nội chỉ tăng có 0,37% là một chỉ dấu của xu hướng này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét