Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Tín dụng của doanh nghiệp nhà nước đe doạ nợ công như thế nào?

| Đinh Tuấn Minh |


(Một version bài này được đăng trên TBKTSG, Số 24-2012 ngày 7.6.2012)

Khủng hoảng nợ công ở Châu Âu trong hai năm vừa qua khiến cho giới chuyên gia và giới làm chính sách trong nước quan tâm đến sự bền vững của nợ công của Việt Nam. Những số liệu gần đây do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) công bố cho thấy, tính đến cuối năm 2011, nợ công của Việt Nam đã lên tới 58,7% GDP, so với mức 43,9% của năm 2008. Trong đó, tổng nợ nước ngoài và nợ công nước ngoài lần lượt là 42,2% và 31,1% GDP. Liệu Việt Nam có thể khống chế được mức nợ công dưới 60% GDP, một mức tạm được coi là an toàn như khuyến cáo của các chuyên gia trong bối cảnh tăng trưởng GDP thấp và ngân sách nhà nước sẽ phải chi khá nhiều tiền để giải quyết nợ xấu hệ thống ngân hàng cũng như hỗ trợ tăng trưởng?

Rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận một cách minh bạch là “nợ công” trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe doạ tính bền vững của nợ công Việt Nam.
Trên danh nghĩa, khu vực DNNN chưa thực sự đe doạ nợ công của Việt Nam vì chỉ có phần nợ nước ngoài của các DNNN được chính phủ bảo lãnh mới được tính vào nợ công, còn toàn bộ các khoản tín dụng trong nước hoặc tự đi vay của nước ngoài thì DNNN phải tự trả và không tính vào nợ công. Theo Bộ tài chính, nợ nước ngoài chính phủ bảo lãnh cho khu vực DNNN vào năm 2010 là 4.642,74 triệu USD (tương đương 87,9 nghìn tỷ đồng qui đổi theo tỷ giá chính thức). Phần nợ được bảo lãnh này tương đương với 14,3% tổng nợ nước ngoài của Việt Nam.

Theo “Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” mới được bộ Tài chính đệ trình lên chính phủ thì dư nợ tín dụng trong nước của khu vực DNNN ước khoảng 415,35 nghìn tỷ đồng tính đến tháng 9.2011. Không tính đến phần DNNN tự vay của nước ngoài và phần dư nợ nước ngoài được bảo lãnh phát sinh trong thời gian từ cuối 2010 đến 9.2011 thì phần dư nợ tín dụng của khu vực DNNN được chính phủ bảo lãnh trên danh nghĩa chiếm khoảng 17,5% tổng dư nợ của khu vực này. Đây là mức mà khu vực này hoàn toàn có thể hoàn trả được ngay cả khi nợ xấu của khu vực này ở mức rất cao đi chăng nữa.

Tuy nhiên, khả năng đe dọa nợ công của khu vực DNNN lại nằm ở chỗ khu vực này luôn nhận được ngân sách “mềm” từ chính phủ. Khi các DNNN lâm vào khó khăn, các khoản nợ trong nước của các doanh nghiệp này thường được chính phủ hỗ trợ dưới các hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ. Tất cả các hình hình thức ngân sách mềm này cuối cùng đều khiến chi tiêu ngân sách tăng. Và với việc ngân sách nhà nước liên tục bội chi thì để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho khu vực DNNN, nhà nước sẽ buộc phải phát hành trái phiếu, dẫn đến nợ công của quốc gia sẽ gia tăng.

Mối quan hệ gián tiếp gần nhất là các khoản vay ưu đãi của các DNNN từ Ngân hàng phát triển (VDB). Nguồn vốn của Ngân hàng phát triển đến từ phát hành giấy tờ có giá và nhận vốn ODA cho vay lại chiếm 72,4% trong năm 2009. Đây là các khoản tín dụng mà chính phủ đảm bảo sẽ phải hoàn trả cho các chủ nợ, hay nói cách khác đó chính là các khoản nợ công.

Một phần lớn nguồn vốn này sau đó được VDB cho các DNNN vay ưu đãi để đầu tư. Theo ông Nguyễn Quang Dũng Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển (VDB) thì “Nợ của các tập đoàn, tổng công ty … chiếm độ khoảng 75-80% tổng dư nợ của Ngân hàng Phát triển… Tình hình như hiện nay, có rất nhiều đồng chí lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty có văn bản gửi cho tôi đề nghị lùi nợ, giãn nợ” (Vneconomy, 13.9.2011). Nếu đúng như vậy thì lượng tín dụng mà khu vực DNNN được chính phủ bảo lãnh gián tiếp thông qua VDB sẽ vào khoảng 130-150 nghìn tỷ đồng vào năm 2009. Và nếu giả sử con số này không thay đổi cho đến tháng 9.2011 thì phần dư nợ của khu vực DNNN được chính phủ bảo lãnh trực tiếp và gián tiếp lên tới 43-47% tổng dư nợ của khu vực này. Còn trong trường hợp dư nợ của các DNNN từ VDB cao hơn thì tỷ lệ tín dụng của khu vực DNNN được chính phủ bảo lãnh trực tiếp và gián tiếp rất có thể sẽ dao động trong khoảng 45%-50%.

 
Bảng 1: Phát hành giấy tờ có giá và uỷ thác đầu tư từ vốn ODA của Ngân hàng phát triển (VDB), 2006-2009
Đơn vị: tỷ đồng

Với các khoản vay nợ của khu vực DNNN tại các ngân hàng thương mại trong nước, như chúng ta thường thấy thì trong trường hợp khó khăn nhà nước vẫn phải đứng ra thu xếp hoàn trả. Chẳng hạn, hình thức khoanh nợ (như nợ của Vinashin tại các NHTM) thì cuối cùng chính phủ vẫn phải bỏ một phần tiền ra để bù đắp; hình thức chuyển nợ (như của Vinashin cho Vinalines và PVN) có thể khiến các DNNN khác lâm vào khó khăn và cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai nhà nước; hình thức bổ sung vốn (như tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỷ lên 14.655 tỷ đồng) thì đó vẫn là tiền từ ngân sách nhà nước. Khoản vay 45 triệu USD  từ ngân hàng ANZ cho dự án Xi măng Đồng Bành do Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) hay Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) đầu tư cũng được Bộ tài chính đứng ra bảo lãnh khi dự án này rơi vào tình trạng thua lỗ không trả được nợ.

Từ kinh nghiệm của vụ Vinashin, nếu chúng ta giả sử nhà nước không muốn cho phá sản các DNNN thua lỗ, không trả được nợ  và sẵn sàng bỏ ngân sách ra mua lại nợ xấu của khu vực này với mức giá từ 20% - 30% giá trị khoản nợ trên sổ sách thì phần tín dụng của khu vực DNNN tại các ngân hàng thương mại được chính phủ bảo lãnh gián tiếp sẽ vào khoảng 50 – 75 nghìn tỷ đồng nữa. 

Bảng 2: Tính toán tỷ lệ tín dụng của khối DNNN được chính phủ bảo lãnh trực tiếp và gián tiếp

 
Ghi chú: Các tính toán trên chỉ có tính tham khảo vì thời gian ghi nhận các số liệu không đồng nhất. Ngoài ra, các khoản nợ nước ngoài mà các DNNN tự đi vay cũng bị bỏ qua trong các tính toán này.
Nguồn: GSO, Bộ tài chính, và tính toán của tác giả.

Như vậy, mặc dù trên danh nghĩa hầu hết các hoạt động tín dụng của các DNNN hoàn toàn dựa trên cơ chế tự vay tự trả, nhưng với cơ chế ngân sách mềm như hiện nay thì trên thực tế đa phần tín dụng của khu vực này được nhà nước bảo lãnh, có thể lên tới 53%-61%. Tuy tỷ lệ nợ công của Việt Nam có thể không tăng nhiều sau khi điều chỉnh, chỉ ở mức 60,7%-61,4% GDP  nhưng chất lượng nợ công đã bị ảnh hưởng đáng kể khi mà tỷ lệ tín dụng của khối DNNN được bảo lãnh trực tiếp và gián tiếp trên tổng nợ công chiếm tới 17,4%-19,7%, tăng mạnh từ mức 5,9% nếu chỉ tính phần chính thức được bảo lãnh.

Lo lắng trên là có cơ sở khi mà các khoản đầu tư của khu vực DNNN khá dàn trải, thiếu hiệu quả. Nhiều tập đoàn như Vinashin, EVN, Vinalines, Tập đoàn Sông Đà v.v. đã rơi vào tình trạng thua lỗ lớn như trong thời gian vừa qua. Do đa phần các khoản tín dụng của khu vực này được bảo lãnh trực tiếp hoặc gián tiếp nên chất lượng tín dụng của khu vực này đang nổi lên như là một mối đe doạ đối với nợ công của Việt Nam.

1 nhận xét: