Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Gói hỗ trợ kinh tế mới vẫn chưa đủ

| Nguyên Minh Cường |


SGTT.VN (7.5.2012)- Những thông tin ban đầu về gói hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường để phát triển sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng đã được công bố. Mặc dù khá tốt nhưng sự hỗ trợ này mới chỉ áp dụng cho một nhóm các lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp chỉ mang tính ngắn hạn. Điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp chưa mặn mà với việc mở rộng sản xuất trở lại.

Trần cho vay 15% với các lĩnh vực ưu tiên: không tác dụng nhiều


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư 14 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa bằng lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng thêm 3%/năm. Như vậy, với mức lãi suất trần huy động hiện nay NHNN đang áp dụng là 12%/năm thì lãi suất trần cho bốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ và công nghiệp hỗ trợ sẽ tối đa là 15%. Điều kiện để các ngân hàng giải ngân cho các lĩnh vực này là các dự án phải đạt được hiệu quả và có khả năng hoàn trả.

Thông tư 14 không tạo ra quá nhiều sự khác biệt bởi phần lớn nội dung đều được các ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang thực hiện. Do tình trạng dư thừa vốn trên thị trường liên ngân hàng, nên không chỉ với các lĩnh vực ưu tiên mà cả các lĩnh vực khác, các NHTM luôn tìm kiếm những khách hàng tốt, rủi ro thấp để cho vay với mức lãi suất ưu đãi. Trong thời gian qua, hàng loạt NHTM đã công bố các gói hỗ trợ khác nhau khá gần với mức trần cho vay 15%.

Doanh nghiệp thiếu các kế hoạch kinh doanh tốt

Trong tình hình kinh tế hiện tại, trước sức ép của cổ đông, các ngân hàng đều muốn tìm kiếm các khách hàng có dự án hiệu quả để cho vay. Với mức lãi suất huy động là 12% nếu không cho vay ra được mà chỉ tập trung vào mua tín phiếu với lãi suất thấp từ 6,2 – 10,34%/năm (kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng) hay kinh doanh liên ngân hàng với lãi suất 4,5 – 7,5% (kỳ hạn 1 tuần đến 1 tháng) thì các NHTM khó có thể hoàn thành kế hoạch. Thế nhưng, trên thực tế các NHTM lại rất khó giải ngân được tín dụng, chủ yếu là vì doanh nghiệp không có được những kế hoạch kinh doanh khả thi. Tăng trưởng tín dụng trong ba tháng đầu năm của hệ thống NHTM tính đến ngày 26.3.2012 lại giảm 1,96%. Sức mua của dân cư sụt giảm, cộng thêm các biện pháp giảm đầu tư công, khiến cho đầu ra của sản xuất gặp khó khăn, tồn kho tiếp tục duy trì ở mức cao. Thêm vào đó, chi phí đầu vào lại tiếp tục bị đẩy lên cao khi giá điện và giá xăng dầu được điều chỉnh tăng trong những tháng đầu năm.

Có thể nói, bối cảnh hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay khác hẳn gói hỗ trợ lãi suất năm 2009. Gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 trên thực tế không chỉ khiến tín dụng cho sản xuất tăng mà còn làm tín dụng tiêu dùng tăng mạnh. Nhờ vậy, doanh nghiệp trong thời kỳ đó nhìn thấy đầu ra và mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, với lãi suất thực tế vẫn đang ở mức khá cao, hơn nhiều so với lãi suất trong gói kích cầu trước (chỉ khoảng 6 – 8% sau hỗ trợ, thậm chí 3 – 5% với lãi suất cho vay xuất khẩu) thì ngoại trừ một số doanh nghiệp xuất khẩu có đầu ra tốt hoặc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho nhà nước, có thể còn vay vốn để mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp còn lại có lẽ chủ yếu vay để đảo nợ thay vì vay mới. Việc đảo nợ này một mặt giúp cho doanh nghiệp tiếp tục cầm cự chờ đợi mặt bằng lãi suất hạ hơn nữa cũng như sức cầu tăng mạnh hơn nữa thì mới vay vốn để sản xuất kinh doanh, mặt khác cũng giúp cho các NHTM không bị gia tăng nợ xấu, tránh được việc phải trích lập dự phòng nhiều hơn.

Cần các biện pháp hỗ trợ dài hạn

Trong gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng mà Chính phủ dự định đưa ra để cứu doanh nghiệp thì có lẽ chỉ có biện pháp đẩy nhanh việc tăng chi tiêu ngân sách giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản để tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp là biện pháp tích cực nhất giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhưng chắc chắn khoản mục này sẽ nhỏ nhằm tránh thâm hụt ngân sách tăng cao, ảnh hưởng đến sự ổn định vĩ mô trong các năm sau. Vì thế, ảnh hưởng của nó đến toàn bộ nền kinh tế sẽ không nhiều.

Các giải pháp về giảm, giãn thuế, phí có ý nghĩa giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất hơn là mở rộng sản xuất. Hết thời hạn miễn giảm hoặc giãn thuế doanh nghiệp lại tiếp tục phải thực hiện các nghĩa vụ đó.

Để giúp cho doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch kinh doanh dài hạn thì vấn đề mấu chốt vẫn phải là các giải pháp thuế có tính ổn định dài hạn. Nền kinh tế cần ngay một quyết định giảm vĩnh viễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% hiện nay xuống còn khoảng 20 – 22%. Mức thuế VAT cũng cần giảm từ mức 10% hiện nay xuống mức 5 – 7% như các nước Thái Lan, Malaysia, v.v.

Ngoài ra, điều kiện tiên quyết để khơi thông dòng tín dụng mới là phải xử lý triệt để nợ xấu trong hệ thống tín dụng. Có thể nhận thấy sự ảnh hưởng rất lớn của các NHTM qua trường hợp của Habubank với nợ xấu Vinashin. Nợ xấu gần 4.000 tỉ đồng đã đẩy Habubank vào việc mất gần hết vốn chủ sở hữu, buộc phải sáp nhập. Chừng nào, nợ xấu chưa được làm sạch chừng đó các NHTM bị nợ xấu nhiều vẫn sẽ còn e ngại đẩy mạnh các khoản giải ngân mới.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét