Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Your money your vote and economic calculation

| Đinh Tuấn Minh |

Trên CNBC có một chương trình Your money your vote liên quan đến các sự kiện chính trị. Khi dùng phrase này tôi không có ý nói đến vấn đề chính trị mà là vấn đề tính toán kinh tế.

Một thực tế mà mọi người đều biết là giá trị tài sản tham gia trên các thị trường tài chính toàn cầu lớn hơn rất nhiều lần giá trị của các nền kinh tế thực. Nhiều người cho rằng đó là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế.


Theo tôi thì sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là thị trường phái sinh, là do các nền kinh tế đã "giải phóng" cho các cá nhân được tham gia vào quá trình tính toán kinh tế.

Nếu việc tính toán kinh tế chỉ cần dựa trên vài nhà lập kế hoạch tài ba thì nền kinh tế thậm chí chẳng cần đến tiền. Rất tiếc là mong muốn này không thành. Và vì lẽ đó chúng ta mới cần thị trường và sự tham gia tính toán của mọi cá nhân.

Trong các nền kinh tế tư bản thủa sơ khai trước đây thì đa số cá nhân chỉ làm công ăn lương. Đồng tiền của họ chỉ tham gia vote duy nhất cho các mặt hàng mà các nhà sản xuất cung ứng. Số tiền còn lại gửi tiết kiệm ngân hàng. Các nhà sản xuất sẽ vay lại ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất.

Khi thị trường chứng khoán phát triển, một số cá nhân bắt đầu tham gia thị trường và họ có cơ hội dùng tiền của mình để vote cho doanh nghiệp mà họ tin tưởng, cho lĩnh vực kinh doanh mà họ tin rằng sẽ phát triển tốt.

Chỉ từ thập kỷ 1980s, khi quá trình toàn cầu hoá lan rộng, các hoạt động đầu tư trên thị trường tiền tệ và thị trường hàng hoá phái sinh được mở rộng cho mọi cá nhân tham gia thì các cá nhân ở các nước phát triển mới có cơ hội được tham gia vote cho xu hướng phát triển của các quốc gia khác nhau, cho nhu cầu của các loại hàng hoá cũng như sự khan hiếm của các hàng hoá trên toàn cầu. Họ có thể tự mình tham gia hoặc tham gia thông qua một vài quĩ đầu tư nào đó.

Dù là tự tham gia hay qua một quĩ nào đó thì họ phải dành ra một khoản tiền để vote cho xu hướng biến động của một thị trường mà họ quan tâm. Nếu họ tham gia càng nhiều thì phần tiền mà một người kiếm được sẽ ngày càng lớn, có thể hơn rất nhiều so với phần tiền tiết kiệm. Nếu bạn có 1 tỷ đồng sau tiêu dùng thì có thể bạn sẽ dành 700 triệu để "chơi" cổ phiếu, vàng, tỷ giá, hàng hoá v.v. còn 300 triệu để gửi tiết kiệm phòng thân.

Như vậy sự phình to của thị trường tài chính toàn cầu phụ thuộc vào mức độ tham gia của các cá nhân trên toàn cầu vào quá trình vote cho các xu hướng của thị trường. Nó tốt hay xấu cho sự phát triển kinh tế? hoặc có điểm tối ưu nào không cho việc phân bổ nguồn lực của xã hội cho các công việc tính toán kinh tế và tham gia vào quá trình sản xuất thực trong nền kinh tế?

Không thể có lời giải cho câu hỏi này. Von Mises có một câu nói rất nổi tiếng: "The issue is always the same: the government or the market. There is no third solution". Nếu như chính phủ không thể tính toán và giải quyết nổi vấn đề kinh tế - và thực tế đã chứng minh như vậy - thì hãy để nó cho thị trường. Đơn giản như vậy. Để cho thị trường có nghĩa là để cho các cá nhân tham gia vào tính toán kinh tế. Và để "cá cược" rằng tính toán của mình đúng thì bạn không thể nói chơi như các chuyên gia hay các nhà kinh tế vẫn thường tán chuyện trên báo hoặc truyền hình. Bạn phải "xuống tiền". Tính toán sai thì mất tiền, vậy thôi.

Như vậy cái giá mà nền kinh tế phải trả cho công việc tính toán kinh tế là rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phần giá trị gia tăng mà nền kinh tế tạo ra dùng để phân phối cho tầng lớp tham gia tính toán kinh tế sẽ rất lớn; mặt bằng thu nhập của giới "chơi" trên các thị trường tài chính sẽ lớn hơn mặt bằng của giới làm công ăn lương. Bạn cảm thấy ghen tị với điều này ư? Hãy thử "xuống tiền" xem bạn có tính toán kinh tế giỏi không? Your money your vote.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét